Xoa bóp: phục hồi sức mạnh tâm thể.

Xoa bóp có từ rất sớm, trong thiên Huyết khí hình chí sách Tố vấn có chép: “Người thường sợ hãi, kinh lạc không thông sinh ra bệnh tê dại, nên chữa bằng cách xoa bóp hoặc dán thuốc cao”. Xem trên sử sách từ đời Hán, Đường thì các trước tác về phép xoa bóp cũng không ít. Viện Thái y của hai đời Tùy, Đường cũng có chuyên khoa về xoa bóp, đủ hiểu xoa bóp là một phương pháp chữa bệnh có cơ sở lý luận và giá trị thực tiễn.

Theo lý luận Y học cổ truyền, xoa bóp bấm huyệt có các tác dụng điều hòa âm dương, làm thông kinh mạch, làm huyết lưu thông, chữa ngưng trệ, làm trơn các khớp xương. Xoa bóp tác dụng lực cơ học lên cơ thể để đả thông kinh mạch và đẩy khí đi đúng đường hành đúng hướng mà từ đó phục hồi và phát huy các cơ năng hoạt động của khí.

Tác dụng của xoa bóp đối với thân thể con người chủ yếu là sơ thông kinh lạc, lưu thông khí huyết, theo đó mà làm cho dinh vệ được điều hòa, âm dương được thăng bằng nên trước khi chữa, đầu tiên phải thông qua tứ chẩn, biện chứng và đặc biệt chú trọng phép phúc chẩn và phép chẩn tra tại chỗ đau, phân tách rõ ràng hàn, nhiệt, hư, thực của bệnh v.v… rồi sau dùng phép bổ tả cho phù hợp. Phép xoa bóp cũng ngoài cách lấy huyệt tại chỗ đau và lấy huyệt xung quanh chỗ đau cũng có thể áp dụng quy luật lấy huyệt theo kinh giống như phép châm cứu. Khác với châm cứu là phải dùng tới công cụ là cây kim thì xoa bóp có hiệu quả hay không phụ thuộc vào kỹ xảo của bàn tay thầy thuốc. Bàn tay phải trải qua rèn luyện nhiều mới đạt được lực, độ mềm dẻo nhuần nhuyễn và khả năng cảm nhận.

Xoa bóp có công năng điều tiết: tức là điều hòa âm dương, thông khí huyết. Y học cổ truyền cho rằng con người là một chỉnh thể thống nhất do các yếu tố vật chất cơ bản khí, huyết, tân, dịch tạo nên, trong mỗi yếu tố vật chất này lại phân làm âm và dương, âm dương quân bình thì công năng sinh lý cơ thể hoạt động bình thường. Nếu do những tác nhân bên ngoài (ngoại tài) hoặc do nhân tố bên trong (ăn uống thất thường) tác động thì công năng sinh lý cơ thể bị mất điều hòa, âm dương mất quân bình dẫn đến sinh bệnh. Trong Nội kinh có nói “Âm bình dương bí, tinh thần nãi trì” (Âm lặng dương kín, tinh thần còn tồn tại). Nếu phát triển thêm bước nữa, nhân tố gây bệnh mạnh thì xuất hiện trạng thái “âm dương ly quyết, tinh khí nãi tuyệt” (Âm dương tách rời nhau thì sinh khí cũng hết) tức tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng. Cho nên theo YHCT bệnh là do âm dương không điều hòa. Công năng điều tiết âm dương, khí huyết, tạng phủ mục đích là khôi phục sự quân bình âm dương. Các thủ thuật xoa bóp, tuy là kích thích bên ngoài các bộ phận cơ thể nhưng theo học thuyết kinh lạc thì tác dụng có thể thông qua kinh lạc mà chuyển đến tận cùng các cơ quan tạng phủ, dựa vào sự tương hỗ giao thao, qua kinh lạc mà chuyển đến toàn thân với tác dụng điều hòa âm dương, khí huyết. Công năng điều tiết của xoa bóp như sau: nếu người bệnh hưng phấn thì nó sẽ gây ra ức chế và ngược lại, nếu người bệnh ức chế thì nó sẽ gây hưng phấn. Ví dụ xoa bóp vùng đầu có thể điều trị bệnh đau đầu, mất ngủ, suy nhược thần kinh…

Xoa bóp làm mạnh chính khí, tăng cường sức đề kháng (giá trị phòng bệnh): YHCT cho rằng ngoại tà xâm nhập vào cơ thể gây bệnh, nhân tố nội tại là “chính khí” của cơ thể người bị suy yếu. Nếu chính khí mạnh thì ngoại tà không dễ xâm nhập được. Nội kinh nói “Chính khí tồn nội, tà bất khả can” ý nói nếu chính khí ở trong vững thì ngoại tà không làm được gì. Lại nói “Tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư” – chỗ tụ của tà tất là hư khí. Xoa bóp có thể làm cho khí huyết toàn thân lưu thông, điều hòa âm dương, tạng phủ vững mạnh. Cho nên nguồn khí huyết sung túc, sức đề kháng tăng lên, bệnh tật khó có thể phát sinh.

Xoa bóp làm tăng cường tuần hoàn huyết dịch có lợi cho các chứng viêm, sưng, tan máu bầm: xoa bóp thông qua các động tác xoa, day, ấn… tác động lên cơ thể qua từng lớp nông sâu, qua da, cơ, xương khớp, từ nông tới sâu, từ gần tới xa làm khí khí huyết lưu thông, không bị ngưng trệ, kinh mạch thông suốt nên có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn huyết dịch. Xoa bóp tạo ma sát làm cho da người bệnh ấm nóng lên, qua đó làm giãn nở các mạch máu, máu chảy qua lòng mạch nhiều hơn, có tác dụng tốt cho các bệnh có ứ trệ huyết như suy giãn tĩnh mạch, chấn thương bầm tím….

 Khí huyết lưu thông giúp mau phục hồi các tổn thương: khi bộ phận nào đó bị thương tổn thì bản thân cơ thể có cơ chế tự phục hồi, đây là cơ chế tự chữa lành của cơ thể. Mức độ và tốc độ hồi phục phụ thuộc mức độ thương tổn và tổng trạng của cơ thể đó. Khi xảy ra tổn thương thì có hiện tượng khí huyết ngưng trệ, kinh mạch không thông, gây sưng, đau. Nội kinh có nói “Khí thương thống, hình thương thũng” (Khí bị thương thì đau, hình bị thương thì sưng phù). Xoa bóp giúp làm thông khí huyết, kinh mạch, hóa giải ngưng trệ, huyết dịch lưu thông tăng cường dinh dưỡng cho các cơ quan, dòng máu đến giải quyết các vấn đề sưng viêm giúp cơ thể mau hồi phục. Ví dụ: các trường hợp bị tụ máu bầm, giai đoạn hồi phục sau tai biến mạch máu não…

Xoa bóp là thế mạnh của Y học cổ truyền trong phòng & trị bệnh, phục hồi sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bsck2. Huỳnh Tấn Vũ

Viết một bình luận