Rượu thuốc: 2 mặt của vấn đề sức khỏe

Y học cổ truyền cho rằng, bản thân rượu là thuốc rồi, có thể trị bệnh làm cho thông huyết mạch, làm cho ruột và dạ dày dầy lên, làm nhuận làn da, trừ bỏ hàn khí, tăng thế mạnh của thuốc. Vì vậy trong Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân ghi rằng: “rượu, ủ cất được tốt thì như là men trời cho vậy… uống ít thì máu điều hòa, khí vận hành, thần kinh khỏe mạnh, chống được rét, tiêu sầu, phấn chấn lên; nhưng uống bừa bãi thì tổn hại thần kinh, hao huyết, hỏng dạ dày, mất tinh lực, sinh đờm, hay cáu, những kẻ phàm phu sa đà quá độ vào rượu, luôn say túy lúy, dễ dẫn đến bệnh tật bại hoại, thậm chí quên cả nhà cửa, bệnh vong, thật là đáng sợ lắm ru”.

Y học hiện đại nghiên cứu rằng, uống rượu với lượng thích hợp thúc đẩy tiêu hóa, giảm nhẹ cho tim, dự phòng được các bệnh tật của tim và huyết quản; uống rượu với lượng vừa đủ còn có thể tăng tốc độ của tuần hoàn máu, điều tiết và cải thiện một cách có hiệu quả sự thay thế hóa sinh trong cơ thể và sự truyền dẫn thần kinh, trợ giúp con người khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ. Uống rượu quá nhiều sẽ gây nhiều nguy hại cho sức khỏe.

1. Một số ưu điểm độc đáo của rượu thuốc:

    -Dùng rượu thuốc giảm bớt việc dùng thuốc, sử dụng tiện lợi, có một số thang rượu thuốc tuy nhiều vị phức tạp nhưng sau khi điều chế thành rượu, thành phần của thuốc hòa tan vào trong rượu, thu nhỏ kích thước mảnh dược liệu, uống rất tiện lợi.

    -Uống rượu thuốc cơ thể người hấp thu tương đối nhanh, thông qua tượu tiến vào hệ tuần hoàn huyết dịch, tỏa khắp toàn thân, nhanh chóng phát huy tác dụng điều trị.

    -Dễ dàng nắm vững lượng thuốc của rượu thuốc vì rượu thuốc là một dung dịch đã được điều hòa, những thành phần có hiệu quả trong thể tích các đơn vị là cố định.

    -Uống rượu thuốc tương đối hợp khẩu vị vì trong rượu thuốc phần lớn đều pha đường và mật ong, đó là môt trong những bộ phận hợp thành của thang thuốc, đường và mật ong vốn có mùi vị thơm ngon, dễ uống.

    2. Các loại rượu thuốc

    -Rượu thuốc chữa bệnh: Tác dụng khử phong, tán hàn, dưỡng huyết, hoạt huyết, thư giãn gân cốt, thông kinh lạc. (rượu thuốc ngũ gia bì, rượu thuốc dưỡng huyết trừ phong…)

    -Rượu dưỡng sinh mỹ dung để bổ hư cường tráng: Tác dụng tẩm bổ khí huyết, ôn thận tráng dương, dưỡng vị sinh tinh (nuôi dưỡng dạ dày, sản sinh tinh trùng), khỏe tim an thần (rượu long phượng, rượu ích thọ, rượu thập toàn đại bổ….)

    -Rượu bổ tỳ ích khí: rượu nhân sâm, rượu đương quy hoàng kỳ, rượu bổ trường thọ, rượu sâm quế dưỡng vinh….

    -Rượu bổ âm dưỡng huyết: rượu đương quy, rượu tắc kè…..

    -Rượu bổ thận tráng dương: Rượu bao tử dê, rượu quy bản, rượu sâm nhung, rượu tam tiên…

    -Rượu bổ tâm an thần: Rượu ngũ vị tử, rượu nhân sâm ngũ vị tử…

    Dùng rượu thuốc nào cần suy xét tình trạng thân thể của bản thân. Người cao tuổi khí huyết hư nhược nói chung, có thể chọn rượu thuốc bổ cả khí và huyết. Những người thân thể gầy yếu thường thường âm suy khí hư, dễ bị bốc hỏa, tổn tân dịch nên dùng rượu tư âm bổ huyết. người béo thường sương suy khí hư, dễ sinh đờm, sợ lạnh nên dùng rượu thuốc bổ tâm an thần.

    Những người uống rượu thường xuyên, khi uống rượu thuốc lượng phải nhiều hơn người khác nhưng phải có mức độ, không nên uống nhiều. Những người không quen uống rượu khi dùng rượu nên bắt đầu với lượng nhỏ, dần dần tăng lên đến lượng cần thiết hoặc dùng nước uống pha loãng rồi uống. Đối với phụ nữ, nói chung trong thời kỳ có thai và đang cho con bú không nên uống rượu thuốc, trong thời gian hành kinh, nếu kinh nguyệt bình thường cũng không nên uống những loại thuốc hoạt huyết có công hiệu tương đối mạnh. Người cao tuổi cơ thể suy yếu, lượng rượu thuốc cần giảm bớt; đối với tuổi nhi đồng, công năng sinh lý của cơ thể chưa hoàn thiện, dễ bị tổn hại bởi cồn, dễ bị trúng độc cồn, có thể viêm loét dạ dày, tổn thương gan, não… vậy nên không nên uổng rượu thuốc, nếu cần thiết phải chú ý lượng dùng thích hợp.

    Tóm lại, rượu thuốc mỗi người cách dùng mỗi khác, khi chọn rượu phải theo thể chất của từng người, lấy việc chữa bệnh là chính, nên nghe theo hướng dẫn của thầy thuốc. Cần lưu ý không uống rượu thành nghiện, chỉ nên uống vừa phải. Uống rượu lâu dài hoặc uống nhiều đến nghiện là một nỗi đau tinh thần. Một lần uống lượng rượu lớn có thể gây rối loạn thần kinh, mất sức kiềm chế (trúng độc cồn cấp tính). Trúng độc cồn mạn tính là một loại trúng độc nghiêm trọng của hệ thống thần kinh trung tâm do uống rượu lâu dài gây ra, biểu hiện như thay đổi nhân cách và trí năng suy thoái, tự cảm thấy cô quạnh, không đoái hoài xung quanh, không quan tâm đến người khác, tinh thần bất ổn, trí nhớ kém đi…nên uống khi cần thiết, theo lộ trình, tránh uống liên tục, lâu dài thành nghiện

    Người xưa nói rằng “Nước tải thuyền, nước lại dìm thuyền”. Mối quan hệ của rượu với sức khỏe cũng giống như triết lý trên. Uống rượu quá mức sẽ gây hại tim, gan, tổn thương hệ thống thần kinh… rượu thuốc có lợi cho sức khỏe. Nên thăm khám, tư vấn sử dụng thế nào cho phù hợp, không thái quá ( quá nhiều) không bất cập ( quá ít) tùy theo thể trạng, tuổi tác, sức khỏe để phát huy hiệu quả rượu thuốc.

    BSCK2.Huỳnh Tấn Vũ

    Viết một bình luận